Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011
[Kinh nghiệm - Nhà tuyển dụng] Các bước chuẩn bị để phỏng vấn thành công
Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng danh sách các câu hỏi phỏng vấn để tìm hiểu và đánh giá ứng viên. Bạn nghĩ mọi việc sẽ diễn ra như mong muốn. Thế nhưng, bạn có biết buổi phỏng vấn sẽ thành công hay không còn tùy thuộc vào một số yếu tố khác ngoài câu hỏi phỏng vấn?
Sau đây là một số bí quyết nho nhỏ giúp bạn tuyển được người tài:
Trước khi phỏng vấn:
Xóa đi sự ngượng ngập lúc ban đầu. Vì ứng viên thường sẽ hồi hộp khi bắt đầu buổi phỏng vấn, bạn nên tạo không khí thoải mái để họ tự tin trình bày. Sau khi ứng viên đã an tọa trong phòng phỏng vấn, hãy hỏi những câu hỏi tương đối dễ để ứng viên cảm thấy tự nhiên và xóa đi không khí ngượng ngập lúc đầu.
Đừng đánh giá ứng viên bằng ấn tượng ban đầu. Một số ứng viên không tạo được ấn tượng tốt ngay phút đầu tiên, nhưng họ thật sự là những nhân viên xuất sắc. Vì thế, đừng vội vàng đánh giá ứng viên qua bề ngoài của họ, hãy để chính kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên nói lên giá trị thật sự của họ.
Trong khi phỏng vấn
Giới thiệu sơ lược về công việc. Bạn cần cho cho ứng viên biết về nhiệm vụ chính của họ sếp trực tiếp, phòng ban công tác, các khó khăn và thử thách mà ứng viên có thể gặp phải trong quá trình làm việc, đặc biệt là các tiêu chuẩn để đánh giá thành tích làm việc tại công ty.
Đừng ngại "biến tấu". Bạn đã chuẩn bị danh sách các câu hỏi phỏng vấn, nhưng đừng quá lệ thuộc vào bảng câu hỏi cứng nhắc này. Hãy dựa vào những thông tin ứng viên trình bày để đặt những câu hỏi liên quan giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm làm việc của ứng viên.
Luôn luôn lắng nghe…. Đừng nói quá nhiều trong khi phỏng vấn, hãy để ứng viên trình bày càng nhiều càng tốt để bạn xác định khả năng thực sự của họ. Thông thường, người phỏng vấn dành 80% thời gian để nghe ứng viên trình bày và chỉ 20% thời gian để hỏi ứng viên, trả lời câu hỏi của ứng viên và giới thiệu về công ty.
Ghi chú các thông tin cần thiết. Bạn cần chuẩn bị giấy bút để ghi lại những thông tin quan trọng của ứng viên như thành tích nổi bật, các kỹ năng đặc biệt so với những ứng viên khác. Điều đó sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên công bằng và chính xác hơn.
Khuyến khích ứng viên đặt câu hỏi. Đây là lúc bạn phát hiện được nhiều điều thú vị về ứng viên đây! Những câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu được vì sao ứng viên lựa chọn công ty bạn, vì lương bổng hấp dẫn, chế độ nghỉ phép hay vì mong muốn được phát triển sự nghiệp trong một môi trường năng động, thử thách hơn… Nếu ứng viên không đặt bất kỳ câu hỏi nào (đặc biệt là những ứng viên cấp cao), có thể họ không mấy hứng thú với cơ hội làm việc với công ty bạn.
Tránh những câu hỏi “tế nhị”. Bạn chỉ nên đặt những câu hỏi liên quan trực tiếp đến vị trí tuyển dụng và tuyệt đối tránh những câu hỏi có ý phân biệt chủng tộc, tôn giáo, vùng miền địa lý…
Tìm hiểu sâu về kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Những câu hỏi theo dạng “Hãy cho tôi biết…” hoặc yêu cầu ứng viên giải quyết những tình huống cụ thể trong công việc sẽ giúp bạn hiểu rõ về khả năng làm việc thật sự của ứng viên.
Sau khi phỏng vấn
Thông tin đầy đủ cho ứng viên: Nhiều ứng viên than phiền rằng họ phải “nhấp nhổm” chờ đợi phản hồi của nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn, hoặc cứ bị nhà tuyển dụng hứa sẽ mời đến vòng phỏng vấn tiếp theo nhưng vòng phỏng vấn đó chẳng thấy đâu. Nếu bạn quyết định “chấm” ứng viên, bạn cần thông báo ngay cho họ biết lịch phỏng vấn vòng tiếp theo. Điều đó sẽ rất có lợi cho bạn vì nếu không ứng viên giỏi đó có thể sẽ được công ty khác “rước mất” Trong trường hợp ứng viên không phù hợp, bạn nên kết thúc buổi phỏng vấn nhanh gọn, bằng cách khéo léo và chân thành nói rằng bạn đánh giá cao thế mạnh của họ (và thế mạnh này phù hợp với một công việc khác phù hợp hơn với ứng viên). Đừng hứa với ứng viên bạn sẽ gọi cho họ nếu bạn không có ý định đó.
Tạo ấn tượng tốt về công ty: Cuộc chiến giành nhân tài ngày càng quyết liệt. Trong đó, hình ảnh chuyên nghiệp về công ty là yếu tố tối quan trọng giúp bạn thu hút ứng viên giỏi cho công ty mình. Có nhiều cách giúp bạn tạo ấn tượng tốt với ứng viên về hình ảnh chuyên nghiệp của công ty, chẳng hạn không bao giờ đến phòng phỏng vấn muộn. Nhiều công ty đánh mất ứng viên giỏi chỉ vì tạo ấn tượng không tốt với ứng viên về tính không chuyên nghiệp của công ty họ.
Hãy là một “đại sứ” cho công ty thông qua các buổi phỏng vấn chuyên nghiệp và công bằng. Không những điều đó sẽ giúp bạn tuyển được nhân tài mà còn “để lại tiếng tăm” để tiếp tục thu hút các ứng viên giỏi cho công ty về sau.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét